Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

22/05/2020 15:43

BHG - Sáng 21.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

 Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tại hội trường Diên Hồng và đại biểu phát biểu từ các điểm cầu đều nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Nguyễn Phương
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: Nguyễn Phương

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đã có nhiều nội dung, quy định mới được đưa vào để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động. Trong đó có quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp. Các đại biểu cũng nêu hiện đang có tình trạng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh rất lớn, nhưng thực tế số doanh nghiệp đang hoạt động lại ít hơn nhiều. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần có các quy định về quản lý, thanh tra cho phù hợp.

Đối với mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp được nhắc đến trong dự thảo luật, các đại biểu cơ bản  thống nhất với phương án bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các đại biểu đều cho rằng, việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần…

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các ĐBQH còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Nguồn: BTV